Cách nhân giống lan Hồ điệp

Cách nhân giống lan Hồ điệp

Hầu hết các cây Hồ điệp thương mại được tạo ra từ hạt và là dị hợp tử. Tuy nhiên, khi nhân giống bằng hạt, cây con thu được sẽ không đồng nhất về mặt di truyền, nhất là sự phân ly tính trạng màu sắc hoa.
Chi tiết bài viết
1. Giới thiệu chung
Chi lan hồ điệp (Phalaenopsis) có trên 70 loài và ngày càng có nhiều giống mới được lai tạo. Các loài lan hồ điệp có xuất xứ từ Đông Nam Á và Australia, chịu được khí hậu ẩm nóng, nhiệt độ từ 25°C-35°C.
Có thể gặp một số loại lan hồ điệp trong các khu rừng ở Việt Nam như  Hồ điệp dẹt (Pha.coenu), Hồ điệp ấn (Pha.mannii), Hồ điệp trung (Pha.parishii), Hồ điệp nhài (Pha.pulcherrima).
Một số loài có thể tạo ra cây con (keikis) trên cuống hoa như Pha.lueddemanniana hoặc trên rễ phẳng như  Pha.stuartinana.
Cách nhân giống lan Hồ điệp
2. Nghiên cứu cây lan hồ điệp trên thế giới
Hầu hết các cây Hồ điệp thương mại được tạo ra từ hạt và là dị hợp tử. Tuy nhiên, khi nhân giống bằng hạt, cây con thu được sẽ không đồng nhất về mặt di truyền, nhất là sự phân ly tính trạng màu sắc hoa. Đã có nhiều phương pháp vi nhân giống lan hồ điệp như nuôi cấy cuống hoa với chồi nách, mô phân sinh, đỉnh chồi của chồi cuống hoa, đốt cuống hoa, đoạn cắt lá và chóp rễ. Tuy nhiên các phương pháp này chưa ứng dụng rộng rãi trong sản xuất thương mại vì chúng khác nhau về tỷ lệ sống sót, sự hình thành thể giống protocorm (PLB) và khả năng tái sinh cây con.
Việc cảm ứng hình thành cây con in vitro bằng cách nuôi cấy chồi cùng với một ít thân bên dưới và bên trên nó đã được Rotor thực hiện vào năm 1949 và được coi là phương pháp chính để nhân giống vô tính lan hồ điệp. Phương pháp này vẫn tồn tại một tỷ lệ cao các chồi duy trì trạng thái ngủ hoặc có thể phát triển thành cuống hoa hay chồi sinh dưỡng.
Các thí nghiệm của Tanaka và Sakanishi (1977) cho thấy chồi ở các phần phía trên có xu thế duy trì trạng thái ngủ bất chấp ảnh hưởng của nhiệt độ. Các chồi nẩy mầm đặt ở 20°C hoặc 25°C sẽ tăng trưởng sinh sản (trừ một số chồi ở phần gốc) và ở 28°C các chồi đều tăng trưởng sinh dưỡng. Chồi nuôi cấy đang ở trạng thái ngủ sẽ được kích thích nẩy mầm nếu bổ sung BA vào môi trường.
Năm 1991, Sajise và Sagawa đã đưa ra báo cáo đầu tiên về sự hình thành mô sẹo tạo phôi (embryogenic) và Tokuhara và Mii (2000) đã thực hiện cảm ứng thành công mô sẹo tạo phôi từ các mẫu cấy đỉnh chồi trên cuống hoa lan hồ điệp trên môi trường NDM (New Dogashima Medium) và cấy chuyền thành công mô sẹo sang dạng huyền phù trong môi trường NDM lỏng.
Young, Murthy và Yoeup (2000) đã thành công trong việc sử dụng bioreactor để nuôi cấy PLB từ các đoạn cắt lá, sau 8 tuần nuôi cấy, họ đã thu được khoảng 18.000 PLB từ khoảng 1.000 PLB ban đầu trong 2 lít môi trường Hyponex. Các PLB này được chuyển sang môi trường Hyponex rắn để tạo cây con.
Cách nhân giống lan Hồ điệp
3. Nghiên cứu lan Hồ điệp tại Việt Nam:
Chồi phát hoa Phalaenopsis nuôi cấy in vitro thường thể hiện 3 trạng thái là chồi ngủ, chồi sinh dưỡng và chồi sinh sản. Phân viện Sinh học Đà Lạt đã tổ chức các thí nghiệm khảo sát ảnh hưởng của vị trí nguồn mẫu trên chồi phát hoa, nhiệt độ nuôi cấy và nồng độ BA trong môi trường lên các trạng thái sinh trưởng. Chúng tôi cũng khảo sát các điều kiện cảm ứng mô sẹo và sự hình thành phôi vô tính của Phalaenopsis.
* Nguồn mẫu: Là giống lai Phalaenopsis amabilis 5–6 năm tuổi trồng trong nhà lưới. Tách phát hoa làm nguồn mẫu khi cây bắt đầu nở hoa. Mẫu sau khi đã xử lý được cấy trên môi trường VW (Vacin và Went, 1949) có bổ sung 2% sucrose.
* Kết quả thực hiện:
(1) Khảo sát tác động của nhiệt độ đối với quá trình nuôi cấy: Thực hiện thí nghiệm nuôi các đoạn cắt chồi có nguồn gốc từ các vị trí khác nhau trên môi trường VW và đặt ở các nhiệt độ khác nhau. Kết quả ghi nhận sau 90 ngày nuôi cấy như sau:
-  Một số chồi vẫn duy trì trạng thái ngủ ở tất cả các nhiệt độ khảo sát và vị trí nguồn mẫu cấy trên chồi phát hoa càng cao thì tỷ lệ chồi ngủ càng nhiều.
- Về ảnh hưởng của nhiệt độ, ở nhiệt độ 20°C, 67% chồi nuôi cấy tạo ra chồi sinh sản.  Còn ở 25°C, 76% chồi tạo ra chồi sinh dưỡng.
(2)  Khảo sát ảnh hưởng của BA lên sự nẩy mầm của chồi bên trong quá trình nuôi cấy in vitro ban đầu:
- Tỷ lệ nẩy chồi trong môi trường VW có bổ sung BA tương tự với trên môi trường có thêm nước dừa. Nồng độ BA càng cao thì tỷ lệ chồi nẩy mầm càng tăng. Khi nồng độ BA từ 5-10 mg/l thì hầu hết các chồi nẩy mầm và tăng trưởng sinh dưỡng. Tuy nhiên, các chồi sinh dưỡng có lá bất thường.
- Chồi được nuôi cấy ở 20°C hoặc 28°C trên môi trường bổ sung 2,5 mg/l BA có tỷ lệ chồi không thể nẩy mầm là rất thấp.
- Chồi thoát khỏi trạng thái ngủ khi có bổ sung BA, nó cũng chịu ảnh hưởng của vị trí chọn trên cuống hoa và nhiệt độ nuôi cấy. Lá non của chồi sinh dưỡng phát triển in vitro, dưới tác động kích thích của BA, được sử dụng làm vật liệu ban đầu cho việc nhân giống vô tính để thu nhận được PLB, sau đó là cây con.
(3) Khảo sát sự cảm ứng mô sẹo: Nuôi các đoạn cắt mô lá để thu PLB, các PLB này được cắt đôi và cấy chuyền sang môi trường mới trong 2 tháng. Môi trường nuôi có bổ sung kết hợp 2,4D, BA và nước dừa với nồng độ 200 mg/l môi trường, thay đổi các nồng độ sucrose khác nhau.
Kết quả ghi nhận cho thấy có rất nhiều mô sẹo hình thành từ PLB trên môi trường có sucrose. Nếu môi trường có bổ sung nước dừa hoặc các chất điều hoà tăng trưởng thì kích thước mô sẹo rất lớn và có màu vàng xanh, đặc biệt tốt trên môi trường kết hợp 2,4–D và BA với nồng độ thích hợp.
(4) Khảo sát sự hình thành PLB: Các mô sẹo cảm ứng từ PLB hay từ lá được nuôi trên môi trường VW có bổ sung nước dừa để tái thu nhận PLB sau 8 tuần.
- Mô sẹo được nuôi trên môi trường có sucrose tiếp tục phát triển, trong khi mô sẹo cấy chuyền sang môi trường không có sucrose chuyển sang màu xanh và tạo ra rất nhiều PLB.
- Quan sát mô không thấy có sự liên kết mạch giữa mỗi PLB và các mô khác. Như vậy PLB có nguồn gốc từ mô sẹo có thể được xem như phôi vô tính. Các PLB này sau khi được chuyển sang môi trường tái sinh cây sẽ hình thành cây hoàn chỉnh
Cách nhân giống lan Hồ điệp
4. Một số vấn đề về kỹ thuật trồng và chăm sóc lan hồ điệp
* Ánh sáng: Lan hồ điệp chịu sáng, nhưng ít chịu nắng; chịu ẩm, nhưng không chịu nước. Do đó, khi làm giàn trồng hoa phải che được 75% nắng, đồng thời tránh để nước đọng trên lá. Tốt nhất là trồng cây lan hồ điệp trong nhà kính, hoặc nhà lưới (có che nylon), chiếu sáng bằng các loại đèn có cường độ ánh sáng vừa phải.
* Tưới nước: Giá trị pH của nước tưới khoảng 5,2 (hơi acid) và phải tưới bằng cách phun sương. Không được để nước mưa nhỏ giọt lên lá.
* Bón phân: Cây lan hồ điệp cần được bón phân quanh năm vì loại thực vật này có khả năng cho hoa liên tục.
* Tách chiết: Cây lan hồ điệp trồng lâu năm có nhiều rễ gió. Nên cắt phần ngọn có 3 rễ, xử lý chất kích thích ra rễ, trồng vào chậu mới có giá thể thoáng, cột vào trụ đứng để chống đỡ cho cây. Phần gốc cây đã cắt sẽ mọc ra 2 – 3 cây con mới. Tách cây con này khi chúng đã có rễ khoẻ mạnh.
icon top
Tư vấn: 0978.712.303 - 0971.786.228