Cây xoan có tên gọi khác là cây sầu đâu, cây khổ luyện thuộc cây thân gỗ lá sớm rụng. Nguồn gốc có từ Ấn Độ, miền nam Trung Quốc và Australia.
Đặc điểm và quá trình sinh trưởng của cây
Thuộc dòng cây thân gỗ nhỏ, rụng lá theo mùa, cây thường phát triển tới độ cao 7m -20m, cá biệt có những nơi Bắc Australia cây cao hơn 40. Cây mang lá kép lông chim, hai đến ba lần lẻ, bìa lá chét có răng cưa, lá non màu xanh nhạt, hoa nhỏ, màu trắng tim tím, mọc thành chùm tụ tán to, nở rộ vào độ giữa mùa xuân, nhiều cây sung sức, đến mùa phát dục, hoa nở rộ, nhìn từ xa hầu như không còn nhận ra màu lá. Quả hình xoan 1 x 1,5 cm, có vỏ màu xanh khi non, vàng dần rồi nhăn nheo và khô héo khi chín, treo lơ lửng nhiều ngày trên cành, khi rơi rụng hoặc được chim chóc phát tán thì tái sinh thành cây con dễ dàng. Cây thường ra hoa vào tháng 3-4, quả vào tháng 6-8.
Tác dụng của cây trong đời sống
Ngoài những đặc điểm nổi bật của cây thì cây xoan có hoa đẹp nên thường được trồng nhiều để lấy bóng mát. Không những tạo bóng mát cây xoan còn có nhiều tác dụng trong việc chữa bệnh. Lá của cây tốt nhất là loại lá mọc từ gốc xoan cũ đã bị chặt, hái một nắm rồi sao vàng hoặc là hơ lửa để xoa bóp lên vùng lưng bị đau, bài thuốc kinh nghiệm này có tác dụng chữa đau lưng rất tốt. Ngoài ra lá xoan được sử dụng như là một loại thuốc trừ sâu tự nhiên để bảo quản một số loại lương thực. Ngày xưa nhựa cây và tinh dầu cất từ lá và thân cây khi pha loãng được sử dụng để làm giãn tử cung. Vì có độc tính nên lá xoan, trái xoan đều không thể ăn được và không được dùng cho người có tỳ vị hư yếu và phụ nữ có thai. Những bài thuốc có sử dụng xoan chỉ được bôi ngoài hoặc rửa chứ không được uống. Hạt xoan tròn và cứng thường được dùng làm chuỗi tràng hạt và các sản phẩm tương tự khác trước khi kỹ nghệ plastic thịnh hành và thay thế vật liệu hạt xoan. Gỗ xoan có ưu điểm là bền chắc và dễ dàng gia công cùng với khả năng chống mối mọt cao nên nó được dùng nhiều để làm các đồ nội thất, được nhiều người yêu thích. Nhiều nơi ở Việt Nam người dân trồng xoan để lấy gỗ, để làm trụ tiêu (Đồng Nai). Ở nhiều tỉnh miền Trung, chẳng hạn như ở huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam nhiều diện tích lâm nghiệp được người dân chuyển đổi từ rừng keo thành rừng xoan.
Cách trồng và chăm sóc cây xoan
Thông thường thời gian thích hợp trồng cây vào tháng 12, 1, 2, 3, 4, 5 âm lịch (mùa xuân và mùa hè) chọn cây xoan đào cỡ 4 tuổi trở lên giống tốt thu hái quả, ngâm trong nước 3 – 4 ngày sau đó xát sạch vỏ phơi dưới nắng. Chọn những hạt chắc, bảo quản.
Đất trồng: Có thể là đất bãi bồi ven sông, đường làng, đồi gò miễn là không úng nước, độ pH trung bình.
Mật độ trồng: Nếu đất tốt thì trồng theo băng khoảng cách (2,5 x 2,5)/ cây hoặc trồng tậpập trung thì (2,8 -3m)/cây mật độ 1.200 -1.250 (cây/ha). Có thể trồng xen kẻ vườn chè, vườn vải thiều hiện đang cho thu nhập thấp.
Đào hố: Hố trồng xoan có thể đào từ tháng 11, 12 âm lịch, kích cỡ hố (0,3 x 0,3 x 0,3)m mỗi hố bón lót 4 – 5 kg phân chuồng sau đó lấp hố lại.
Kỹ thuật trồng: Sau tết âm lịch mang hạt xoan đã bảo quản trên ngâm nước ấm 30-35°C trong vòng 3 ngày, tiếp đó mang 2 – 3 hạt gieo vào các hố nói trên, vùi sâu 3 – 5cm, cách nhau 3 – 5cm.
Chế độ chăm sóc: Tưới ẩm 3 ngày 1 lần cho tới khi cây mọc. Chăm sóc 3 năm liền, mỗi năm 1-2 lần. Làm cỏ, vun gốc rộng 0,8-1m, tỉa bớt để lại 1 cây/hố và tỉa chồi ngay từ năm đầu, đến khi cây cao 7-8m thì không tỉa nữa. Quét nước vôi đặc quanh thân cây từ gốc đến độ cao 1,5m để chống rệp sáp. Những thân cây bị cong có thể dùng dao rạch một đường dọc đối diện và uốn lại thân cho thẳng.