Mãng cầu thái giống
Chi tiết về cây giống
NGUỒN GỐC
Mãng cầu thuộc họ Na (Mãng cầu) phát sinh rất sớm và được con người thuần hóa trước tiên ở các vùng nhiệt đới Châu Mỹ.
Từ thế kỷ 16, các cây họ Mãng cầu đã được nhập vào nhiều nước nhiệt đới và do tính thích nghi rộng được trồng phổ biến ở các vùng nhiệt đới và á nhiệt đới. Tuy nhiên do trái phức hợp, thường to, nhiều nước, khó vận chuyển, nên hiện nay mãng cầu vẫn thuộc loại trái cây chưa khai thác hết tiềm năng. Ở hội nghị trái cây nhiệt đới họp ở Băngladet tháng 7/1992, ngoài những trái đã trồng phổ biến như chuối, dưa, cam, quít, xoài, 5 loại trái cây sau đây được chú ý nhất : Mít, Táo gai, Măng cụt, Ổi, Mãng cầu.
Có hàng chục loại mãng cầu có trái ăn được nhưng trên thế giới chỉ có 2 loại được trồng phổ biến nhất đó là mãng cầu dai (Annona squamosa) và mãng cầu xiêm (Annona muricata). Ở Việt Nam cũng vậy, mãng cầu dai được trồng rộng rãi cả ngoài Bắc và trong Nam, còn mãng cầu xiêm chỉ trồng trong Nam; ở miền Bắc chỉ mới trồng thí nghiệm. Ngoài 2 loại này, còn 2 loại nữa có trái ăn được, nhưng mùi vị ít hấp dẫn, chất lượng thấp nhất là bình bát (A. glalora). Ở miền Nam bình bát mọc rất nhiều ở chỗ thấp, úng, nhiễm phèn và miền Bắc cũng có. Trái có vỏ nhẵn màu xanh, chuyển sang vàng tối khi chín. Thịt màu trắng vàng, hạt màu nâu vàng. Người ta ghép cành mãng cầu xiêm lên gốc bình bát vì tiếp hợp tốt để trồng ở đất thấp nhiễm phèn vì trồng mãng cầu xiêm, chiết hay ương từ hạt thì không được. Hạt bình bát cũng chứa một chất diệt sâu nên có thể dùng bột bình bát tán nhỏ làm thuốc trừ sâu.
Ở Việt Nam còn một loại mãng cầu nữa gọi là nê (na) tác giả đã gặp nhiều lần ở miền Bắc những năm 60, trái rất giống bình bát tên khoa học là Annona reticulata - tên Pháp là Coeur de boeuf (tim bò). Tuy trái giống bình bát nhưng khi còn xanh màu đã hơi vàng khi chín màu vàng đỏ, vỏ trái cũng nhẵn, nhưng thịt trái màu vàng hồng. Hai khác biệt quan trọng nữa là lá nê dài, mỏng như mãng cầu dai, ưa đất cao hạn giống mãng cầu dai trong khi bình bát ưa đất thấp nhiều mùn nặng một chút và chịu úng tốt.
VÀI ĐẶC TÍNH SINH LÝ ĐÁNG CHÚ Ý
1. Khả năng thụ phấn
Tất cả các loại mãng cầu đều có trái phức hợp, hoa cũng phức hợp, nhiều nhị cái, gắn trên một cái trụ. Ở phía dưới nhiều nhị đực có bao phấn. Ngoài cùng là cánh hoa.
Theo các tác giả Cuba phần lớn hoa ?mãng cầu thuộc loại “cái chín trước” (protogyne) ý nói nhụy chín trước và chỉ có thể thụ phấn trong một thời gian ngắn. Khi nhụy cái thụ phấn được thì bao phấn của cùng hoa đó chưa nở. Do đó không, hay rất ít khả năng phấn có thể thụ cho nhụy của cùng một hoa; hạt phấn mãng cầu lại lớn gió không giúp gì cho việc thụ phấn được và phải nhờ tới côn trùng môi giới, mang phấn của một hoa khác tới. Côn trùng môi giới có thể ít hay không có. Do đó một số nhụy không được thụ phấn và hoa rụng; nếu 1 phần nhụy được thụ phấn thì trái phức hợp có thể kết, nhưng bé, ít múi. Những múi thụ phấn được là những múi mẩy, có hạt; múi không thụ phấn được thì lép, không có hạt. Múi lép tương đối nhiều thì trái vặn vẹo, hình thù không bình thường, phình ra ở chỗ có múi mẩy, thót vào ở chỗ múi lép. Hiện trạng này thường thấy ở mãng cầu xiêm, nhiều nhụy (đơn vị hoa) không thụ phấn được ? Ở mãng cầu dai số nhụy nhiều, nên múi lép lẫn vào múi mẩy, ít ảnh hưởng đến hình thù nhưng trái nhỏ đi.
Để tăng cường đậu trái, và trái to ra ở Cu ba, Ai Cập trong sản xuất người ta thực hiện thụ phấn bổ khuyết.
Dưới đây là cách thụ phấn cho hoa mãng cầu dai. Vào vụ hoa nở rộ, chiều hôm trước khoảng 4 - 5 giờ ra thăm cây mãng cầu và chọn một số hoa bứt về để lấy phấn. Hoa bứt rồi tất nhiên không còn đậu trái được vậy nên chọn những hoa nhỏ, ở ngọn cành, ngọn cây, và chất lượng phấn vẫn đảm bảo Cũng phải chọn những hoa sắp nở, cánh đã trắng, mở hé. Đặt hoa lấy phấn trên một cái đĩa ở chỗ khô, mát. Sáng hôm sau hoa sẽ nở bung. Cánh hoa, bao phấn rời khỏi trụ hoa. Bao phấn nứt và phấn màu kem rơi ra đĩa. Nhặt sạch cuống hoa kèm theo nhụy cái đã héo, cánh hoa, xác bao phấn, rũ cho phấn rơi ra hết. Gom phấn lại đem thụ phấn bằng một cái bút lông đầu nhọn và mềm, tốt nhất là một cái bút lông Trung Quốc nếu không có dùng 2, 3 cái lông gà buộc chùm lại. Thụ phấn vào 8, 9 giờ sáng, cho những hoa đã hé mở. Dùng bàn tay trái đỡ nhẹ hoa cái, cuống hoa lọt giữa ngón trỏ và ngón giữa bàn tay trái và lấy ngón tay cái cũng của bàn tay trái tách nhẹ cánh hoa ra trong khi tay phải cầm bút lông đã tẩm vào phấn xoay nhẹ cho phấn dính vào bó nhụy ở giữa lòng hoa.
Thụ phấn cho hoa mãng cầu xiêm lại còn cần thiết hơn vì ít hoa, ít phấn, trái dễ bị vặn vẹo, nhưng cũng dễ hơn vì hoa to, cánh hoa dễ tách ra để đưa phấn vào, và hoa, trái to thì ít công thụ phấn hơn.
Ở Cuba, một lao động 1 công có thể thụ phấn cho 800 - 1.000 hoa mãng cầu dai trong 1 ngày. Khoảng 3 - 4 ngày thụ phấn 1 lần cho 1 cây và cả mùa hoa cũng chỉ thụ phấn 8 - 10 lần khi hoa ra nhiều nhất.
Những hoa đầu vụ và hoa cuối vụ thường rụng nhiều, và trái dù đậu cũng bé.
2. Ghép và khả năng tiếp hợp
Nhiều loại cây trong họ mãng cầu, do huyết thống gần có thể ghép loại nọ lên loại kia. Ở châu Mỹ La tinh có tới 9, 10 loại mãng cầu có thể kết hợp tốt với nhau thành từng cặp còn ở Việt Nam chỉ có 4 loại : mãng cầu dai, mãng cầu xiêm, bình bát, nê (na). Tài liệu và thực tế sản xuất cho biết :
- Mãng cầu xiêm ghép lên bình bát: tiếp hợp tốt sinh trưởng, kết trái bình thường và miền Nam đã sử dụng rộng rãi kinh nghiệm này.
Mãng cầu dai ghép lên bình bát có thể sống nhưng sau đó tiếp hợp không tốt, cây ghép chết dần.
Mãng cầu dai ghép lên nê (na) (có thể tìm giống ở vùng Cẩm Thủy, Thanh Hóa) - tiếp hợp, sinh trưởng phát dục rất tốt nhưng chỉ có thể trồng ở đất cao, không úng nước.
Mãng cầu dai ghép lên mãng cầu xiêm và ngược lại: tiếp hợp không tốt, sinh trưởng phát dục không bình thường. Chưa ai sử dụng những cặp ghép này trong sản xuất.

XEM THÊM

icon top
Tư vấn: 0978.712.303 - 0971.786.228